
6 nguyên nhân dẫn đến chứng khóc đêm ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là khóc dạ đề
Với những mẹ có con nhỏ, đặc biệt những người lần đầu làm mẹ, chứng khóc đêm ở trẻ sơ sinh hay khóc dạ đề thật sự rất ám ảnh, bởi nó có thế làm cả mẹ và trẻ căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ… Thế nhưng, nếu có đầy đủ kiến thức cần thiết về tình trạng này, mẹ sẽ yên tâm dỗ trẻ dễ dàng và thoát khỏi vất vả vì tất cả đều trong tầm kiểm soát của mẹ.
Khóc đêm ở trẻ sơ sinh, khóc dạ đề hay còn gọi là khóc dã tràng là hiện tượng trẻ sơ sinh (từ 2, 3 tuần tuổi – 3 tháng tuổi) quấy khóc nhiều giờ tại một thời điểm nhất định, từ chiều, tối cho đến đêm muộn, kéo dài khoảng 3 giờ. Theo đó, cứ đến khoảng thời gian trên, trẻ khó chịu, quấy khóc hoặc đang ngủ khóc thét lên. Lúc khóc, toàn thân đỏ ửng, oằn mình, cong lưng, tay nắm chặt, chân co về phía bụng và bụng căng cứng như thể trẻ đang đau. Đôi khi, trẻ bị nôn trớ, mặt đỏ bừng. Chứng khóc đêm ở trẻ sơ sinh thông thường sẽ tự biến mất khi trẻ được 3 tháng mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào.

6 nguyên nhân gây khóc đêm ở trẻ sơ sinh và giải pháp cho mẹ
Các chuyên gia cho rằng, chứng khóc đêm ở trẻ sơ sinh vẫn còn là một bí ẩn. Hiện tại, chưa có minh chứng khoa học nào giải thích cho nguyên nhân khóc kéo dài này, tuy nhiên, có 6 nguyên nhân giả thiết được hầu hết các chuyên gia đồng ý đó là:
- Do đau bụng
Những cơn khóc kéo dài có thể là do trẻ bị đau bụng, dị ứng từ sữa mẹ. Nhưng vì còn quá nhỏ, trẻ chưa thể giao tiếp bằng lời nên nếu có bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể thì tín hiệu báo cho mẹ biết đầu tiên là khóc quấy.
Lúc này, mẹ có thể kiểm tra xem trẻ có xì hơi, tiêu chảy, nôn mửa, hoặc thở “khò khè”… không. Nếu nhận thấy những dấu hiệu trẻ bị dị ứng, đau bụng do sữa mẹ thì nên lập tức đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám. Những ngày sau đó, mẹ hãy loại bỏ các chất gây dị ứng khỏi chế độ ăn của mình, đó có thể là những thực phẩm chứa protein như trứng, sữa, các loại hạt hoặc lúa mì… Và chế độ ăn kiêng này nên thực hiện ít nhất 6 tháng hoặc cho đến khi trẻ được 9 – 12 tháng tuổi. Ở giai đoạn này hầu hết trẻ đều không còn bị dị ứng nữa.
- Do mọc răng
Trẻ mọc răng sẽ thấy khó chịu vì sưng đau ở chỗ mọc răng, kèm theo đó là hiện tượng sốt khiến trẻ khóc quấy nhiều hơn. Lúc này, mẹ nên kiểm tra bằng cách dùng ngón tay sờ nướu răng trẻ, nếu trẻ mọc răng, mẹ có thể dùng một miếng vải mềm bao đầu ngón tay rồi thấm nước ấm để massage nướu răng cho trẻ.
Qua tiếp xúc da hoặc nhiệt kế, nếu mẹ phát hiện trẻ sốt cao (trên 38 độ) hãy đưa đến bác sĩ ngay, bởi sốt ở nhóm tuổi sơ sinh có thể dẫn đến hậu quả khó lường, nếu không chữa trị kịp thời.

- Do quần áo chật chội, hoặc tã ướt
Nhiều trường hợp trẻ quấy khóc có thể do cảm thấy khó chịu vì quần áo chật chội hoặc tã bị ướt. Do đó, mẹ cần kiểm tra xem trẻ đang khó chịu về vấn đề gì để có thể đáp ứng được nhu của con như: thay tã hoặc quần áo khác cho trẻ để trẻ thoải mái hơn.
- Do mệt mỏi
Những hành động yêu thương cưng nựng vào ban ngày của người lớn dành cho trẻ cũng khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi nên hay khóc vào ban đêm. Vì vậy, mẹ cần chú ý hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người hoặc đùa giỡn quá nhiều trong ngày.
- Do trẻ đói
Đôi khi trẻ cũng khóc quấy vì đói bụng với các biểu hiện kèm theo là mút tay, dụi đầu vào ngực người bế, di chuyển tay chân liên tục. Nếu thấy dấu hiệu này, mẹ nên cho trẻ bú để đáp ứng kịp thời cơn thèm sữa của trẻ.
- Do trẻ chưa quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ
Một số trẻ vừa lọt lòng nên chưa quen với môi trường bên ngoài thay vì môi trường ấm cúng trong bụng mẹ. Sự khác nhau giữa hai môi trường khiến cơ thể non nớt của trẻ không kịp thích nghi nên sinh ra những khó chịu, rồi dẫn đến khóc quấy. Tình trạng này sẽ nhanh chóng mất đi sau vài tháng.
Trong hầu hết các trường hợp, nếu trẻ khóc quấy mẹ có thể xoa dịu trẻ bằng cách:
- Vỗ về, ôm trẻ vào lòng, thủ thỉ lời yêu thương hoặc hát ru khe khẽ, kèm theo đó, mẹ có thể đong đưa nhè nhẹ;
- Đưa trẻ đi dạo một vòng xung quanh nhà để làm dịu tinh thần của trẻ.
- Nếu mẹ cảm thấy không bình tĩnh và thoải mái, hãy nhờ người khác trông hộ. Tuy nhiên sau khi nghỉ ngơi khoảng 10 phút, mẹ hãy quay lại và thực hiện 3 bước kể trên.

Các chuyên gia cho biết, khóc đêm ở trẻ sơ sinh không cần chữa trị đặc hiệu. Sau những cơn khóc kéo dài, nếu trẻ trở lại bình thường, vui, khỏe, bú tốt… thì các mẹ cần tự nhủ với mình là mọi việc dần sẽ ổn. Hãy cố gắng trấn tĩnh và yêu thương con bởi 3 tháng đầu đời của trẻ trôi qua nhanh thôi, mẹ nhé!