Bệnh cúm và những điều có thể bạn chưa biết

Bệnh cúm và những điều có thể bạn chưa biết

Bệnh cúm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mức độ nghiêm trọng của bệnh khác nhau tùy theo từng người. Cúm rất dễ lây lan qua đường hô hấp và có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng cúm cũng như cách điều trị và phòng ngừa rất quan trọng để chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình.

1. Bệnh cúm là gì?

Cúm là một dạng bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh phát triển khi vi rút cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp như đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể bao gồm cả phổi. Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong. 

Cúm có khả năng lây nhiễm cao và dẫn đến nguy cơ bùng dịch. Ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh cúm

Khi virus cúm Influenza xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và nhân lên sẽ gây ra cúm. Khi người bệnh chảy nước mũi, hắt hơi hay ho, virus có thể theo đó bắn ra ngoài và lây cho những người khác thông qua đường hô hấp.

Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, siêu thị,.. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. 

3. Những triệu chứng điển hình của cúm 

Tuỳ theo giai đoạn, người nhiễm bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau với thời gian ủ bệnh thường sẽ kéo dài từ 24 – 48 giờ, có trường hợp thời gian ủ bệnh có thể lên tới 72h.

  1. Giai đoạn bệnh khởi phát: trong 24h đầu người bệnh thường đột ngột sốt cao, có thể kèm theo rét run cùng với các biểu hiện như mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, ho khan,..
  2. Giai đoạn toàn phát:
  • Nhiễm khuẩn: chán ăn, mạch nhanh, liên tục sốt cao từ 39-41 độ.
  • Các biểu hiện đau nhức: đau cơ bắp toàn thân, nhất là vùng trên xương ức, đau vùng ngực, thắt lưng và chi dưới, đau đầu, khi ho gắng sức có cảm giác đau hơn. 
  • Họng khô và đau rát.
  • Biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản như thở khò khè, khó thở,..
  • Biểu hiện viêm thanh khí quản như khàn tiếng, mất giọng, ho khan.

Nếu không có biến chứng gì nguy hiểm thì thường sau 2-5 ngày bệnh sẽ tự phục hồi. Tuy nhiên, lúc này người bệnh vẫn có thể bị ho, sổ mũi, hắt hơi… 

Ngoài ra, một số biểu hiện khác mà người bị cúm có thể gặp phải như: 

Mức độ nhẹ: Tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa 

Mức độ nặng: hạ huyết áp, viêm cơ tim, viêm phổi, thậm chí liệt nửa người, tử vong,..

4. Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cúm 

  • Viêm phổi.
  • Viêm não.
  • Viêm cơ tim.
  • Suy thận.
  • Gan nhiễm mỡ, tăng men gan, hạ đường huyết và rối loạn lipid máu.

5. Phải làm gì nếu chẳng may mắc bệnh cúm

Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Trong thời gian này, nên tránh sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu, cà phê,.. để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi.

Bên cạnh đó, người bệnh cúm nên tăng cường bổ sung các loại rau xanh và trái cây để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Người bệnh cúm có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để sử dụng các loại thuốc không kê đơn như: thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc xịt để giảm bớt một số triệu chứng cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,…

Đối với người bị nhiễm cúm nặng và có nguy cơ biến chứng cao, phải đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn để người bệnh sử dụng thuốc kháng vi rút, dưới sự theo dõi của bác sĩ. Dùng thuốc kịp thời, đúng cách giúp giảm mức độ các triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm bệnh. Đây cũng là cách ngăn ngừa các biến chứng cúm tiến triển, nhất là ở người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. 

6. Cách phòng ngừa bệnh cúm

Tiêm ngừa cúm mỗi năm

Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm chính là thực hiện tiêm ngừa cúm hằng năm. Do vi rút cúm biến đổi liên tục nên mỗi năm đều có loại vaccine chủng ngừa mới được sản xuất dựa theo nghiên cứu từ các nhà khoa học về khả năng gây bệnh của vi rút. Chỉ cần 1 mũi tiêm nhắc mỗi năm cũng giúp bạn phòng ngừa cúm hiệu quả. Theo một nghiên cứu, vaccine có tỷ lệ bảo vệ rất cao lên tới 90%. Ở người lớn tuổi, tiêm vaccine cúm giúp giảm tới 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong từ các vấn đề có liên quan tới bệnh cúm. 

Tập thói quen sinh hoạt lành mạnh

Xây dựng và duy trì các thói quen sinh hoạt dưới đây giúp bạn giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây nhiễm cúm: rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm, thường xuyên lau sạch khử khuẩn các bề mặt vật dụng, tập thể dục đều đặn,..

Tóm lại, bệnh cúm là một bệnh tương đối nguy hiểm và dễ lây lan cho mọi người xung quanh. Do đó, mọi người nên tự ý thức tiêm phòng vacxin hằng năm và chăm sóc sức khỏe thật tốt để phòng ngừa bị nhiễm bệnh. Nếu không may bị nhiễm, người bệnh cũng nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: Healthline

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus (0 )