DẤU LẶNG MỘT TÌNH KHÚC (1)

DẤU LẶNG MỘT TÌNH KHÚC (1)

(Tưởng nhớ cố họa sĩ P.H.Tr.)

Họa sĩ T, bạn vong niên của anh, tóc dài chấm vai, gầy guộc, liêu xiêu. Ông sống độc thân. Trong nhà, ông nuôi một con chồn, một con cú, một con bìm bịp. Hằng ngày ông phải đi chợ mua thức ăn cho chúng. Ba con vật như ba đứa con khó tính vì ăn các loại thức ăn khác nhau. Khi chúng ăn no, ông mới yên tâm nhồi đất, phác thảo những bức tượng. Sở trường của ông là nặn những bức tượng phụ nữ khỏa thân. Ông sống trong một căn nhà sàn cất trên mặt ao rộng, căn nhà khuất trong những lùm cây rậm. Trước nhà trồng một bụi ô rô, một cây lá cách… Trong nhà, ngoài sách ra, chung quanh ông là những bức tượng khỏa thân – Ông sống giữa vương quốc của những đường cong tuyệt mỹ. Đăc biệt, ông rất mê Stalin, một lãnh tụ đã đập tan quân đội của Hitler, khi Hitler xua quân xâm nhập vào sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Trên vách phòng khách của ông treo một bức ảnh của Stalin, gương mặt thật dữ dằn, oai vệ.

Xê dịch hằng ngày của ông là đi bộ. Tuyệt đối không đi xe.

Tới ngưỡng cửa nhà ông, anh bước rụt rè, nhẹ nhàng trên sàn gỗ. Vì nếu hơi mạnh chân một chút thôi, sàn gỗ rung lên và các bức tượng của ông cũng rung lên.

Anh thường đến nhà ông uống rượu. Những câu chuyện chính trị, văn chương, nghệ thuật nói mãi không dứt. Ông thường kể cho anh nghe một câu chuyện như sau:

“Một đoàn quân Bạch vệ hành quân qua một ngôi làng nhỏ – chỉ lác đác vài ngôi nhà.

Ở đâu đó từ các đụn rơm lớn, thỉnh thoảng có tiếng súng bắn tỉa nhắm vào đoàn quân. Viên sĩ quan Bạch vệ tái mặt, ra lệnh cho lính phải tóm ngay kẻ bắn tỉa. Một toán lính toả vào các ngôi nhà, lùng sục những đống rơm, săm soi từng hốc đá, quan sát từng rãnh nước…Chốc sau, họ lôi ra một thằng bé ốm nhom, khoảng 13 tuổi với khẩu súng trường trên tay. Đứa bé bị xô té, nằm ngay dưới chân ngựa của viên sĩ quan. Viên sĩ quan cười rộ: “Đây quân du kích kháng chiến à?”. Thằng bé tức giận trừng mắt nhìn viên sĩ quan. Viên sĩ quan càng khoái trá: “Ốm yếu thế kia mà cũng cầm súng à?”. Mặt thằng bé nghênh lên, bất phục. Thú vị trước thái độ của thằng bé, viên sĩ quan bảo: “Tao sẽ tha chết, nếu mày trả lời đúng câu hỏi của tao”. Thằng bé mím môi gật đầu. Viên sĩ quan nhảy xuống ngựa: “Hãy nhìn vào mắt tao, tao có một con mắt giả, nếu mày nói đúng con mắt nào giả, tao sẽ không bắn mày”.

Thằng bé nhìn thẳng vào gương mặt viên sĩ quan và nó chỉ ngay vào mắt trái của viên sĩ quan.

Im lặng đến ngộp thở.

Đâu đó từ trong toán quân, có tiếng súng lên đạn.

Viên sĩ quan nhảy lên ngựa, nói: “Mày đã nói đúng”.

Thằng bé quay lưng, bước đi.

Bỗng, viên sĩ quan gọi giật nó lại. Trước cái chết cận kề, hai chân nó muốn khuỵu xuống.

Viên sĩ quan gắt gỏng: “Tại sao mày biết đó là con mắt giả?”.

Thằng bé: “Vì con mắt đó có tình “người” hơn mắt kia.”

Câu chuyện đã được ông kể đi, kể lại nhiều lần. Vì lẽ, ông đã kể rồi, ông quên, hôm khác lại kể nữa. Và anh vẫn nghe ông một cách chăm chú.

Trước năm 1975, ông trình bày cho báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn Việt Nam). Sau giải phóng, ông về Sài Gòn trình bày cho báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh. Những ngày nghỉ hưu ông về Cà Mau sống trong căn nhà sàn  ấy. Nửa tháng trước (2010), ông bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng đầu rất nặng, phải đại phẫu. Giờ đây, ông vẫn còn nằm bệnh viện, khi tỉnh khi mê.

Không gia đình, anh biết phần đời còn lại của ông rất khó khăn.

Anh buồn, chông chênh, hụt hẫng.

Cầu mong ông vượt qua đại hạn này.

Không ai mong chờ ông.

 Một con chồn, một con cú, một con bìm bịp đang buồn thiu, lặng lẽ chờ ông. Chúng chỉ một người yêu duy nhất là ông.

Tác giả: Lê Đình Trường

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus (0 )