
Giày cao gót: Đẹp nhưng coi chừng tổn hại đến cơ xương khớp
Giày cao gót giúp vóc dáng chị em trở nên thanh mảnh và gợi cảm hơn, từ đó cũng tự tin hơn trong mọi loại trang phục. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những tác hại như: đau thắt lưng, đau hông hay biến dạng bàn chân… Dưới đây là 5 tác hại của giày cao gót điển hình, đặc biệt với hệ cơ xương khớp bạn sẽ phải đối mặt nếu thường xuyên mang nó.
1. Tác hại đầu tiên của giày cao gót là thoái hóa khớp sớm
Khi mang giày cao gót, trọng tâm cơ thể bạn có xu hướng bị đổ hết về phía trước. Lúc này, cơ thể phải tự điều chỉnh trọng lực để lấy lại tư thế cân bằng, nhưng đây lại là tư thế không bình thường khiến hông, cột sống, khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Lâu ngày, bạn sẽ đối mặt với hiện tượng đau lưng, đau cột sống, vẹo cột sống, khớp gối yếu đi, nhanh thoái hoá…
2. Viêm gân gót chân (viêm gân Achilles chèn)
Mang giày cao gót có thể khiến khớp mắt cá chân bị hạn chế chuyển động, lâu dần khiến gân Achilles (gân lớn nhất cơ thể nối bắp chân với xương gót) có thể bị co lại. Theo thời gian, bạn có thể gặp phải tình trạng viêm có tên là viêm gân Achilles với những triệu chứng như: sưng gót chân sau, khó di chuyển và không co được bàn chân.
3. Đau hông
Theo một nghiên cứu, nếu bạn đi giày cao gót thường xuyên, bạn có thể bị đau hông sau này. Bởi, khi mang giày cao gót, cơ gập hông buộc phải giữ ở tư thế gập liên tục và sự co cơ này có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe theo thời gian.
4. Bạn có thể bị chứng suy giãn tĩnh mạch
Khi bạn mang giày cao gót, máu không bơm qua tĩnh mạch như bình thường do cơ bắp chân bị co lại. Vì vậy, bạn có thể bị giãn tĩnh mạch theo thời gian dẫn tới những khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ. Nguy hiểm hơn, biến chứng của suy giãn tĩnh mạch sẽ hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch có thể gây tắt mạch máu tại chỗ hoặc một vị trí khác nếu cục máu đông theo dòng máu di chuyển. Nhẹ thì có thể sưng đỏ, nặng thì có thể gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong.
Ngoài những tác hại về cơ xương khớp kể trên, thường xuyên đi giày cao gót còn khiến móng chân bị chèn ép trong một thời gian dài nên sẽ mỏng và rất dễ gãy. Không những thế, khi móng dài ra lại bị hạn chế bởi mũi giày, từ đó khiến chúng mọc ngược lại. Tình trạng này có thể có thể gây đau, tấy đỏ hoặc thậm chí là nhiễm trùng.
Mách nhỏ chị em cách hạn chế tác hại khi mang giày cao gót
Để hạn chế những tác hại kể trên, tốt nhất bạn không nên mang giày cao gót liên tục trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra hãy lưu ý rằng:
- Khi mua giày hãy chọn những đôi giày có độ cao vừa phải để tránh phải ở tư thế chúi người về phía trước quá lâu. Lưu ý cách chọn giày như sau: Giày dưới 4cm có thể sử dụng khi phải đi lại nhiều, nhưng không quá 4 giờ. Giày từ 4-8cm chỉ đi khi cần thiết và tối đa không quá 3 tiếng. Tránh sử dụng giày cao quá 8cm. Trong trường hợp phải đi giày quá cao, không nên mang chúng quá 1 giờ.
- Không mang giày quá chật vì chúng sẽ bó chặt cơ và dây chằng, từ đó gây áp lực cho chân.
- Ưu tiên mang những đôi giày có chất liệu mềm mại để tránh áp lực cho bàn chân và tránh các biến dạng, sần sùi trên da bàn chân.
- Nên đi giày hở mũi và tránh các loại giày cao gót mũi nhọn, hẹp để có đủ không gian cho bàn chân và các ngón chân.
- Sau khi mang giày cao gót, bạn nên thực hiện những điều này khi về nhà: đi chân trần hoặc dép mềm trong nhà, ngâm chân vào nước ấm 20-30 phút và massage bàn chân để máu lưu thông tốt.
Mong rằng, qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ tác hại của giày cao gót và những biện pháp khắc phục khi mang giày cao gót. Hãy thực hiện ngay để tránh những biến chứng về sau nhé!
An Chi
Nguồn: https://brightside.me/inspiration-health/what-can-happen-to-your-body-if-you-wear-high-heels-every-day-801163/?fbclid=IwAR1X5o8MfCdWhXfd_jRlJEK3Kd54XMf9tXAgVoP0ysp1u3IGm4HoSUB-8kw