TƯỜNG TRẮNG LẠNH CÂM

TƯỜNG TRẮNG LẠNH CÂM

Truyện ngắn:Lê Đình Trường

(viết như lời tạ lỗi)

Phòng bệnh khoảng hai mươi mét vuông, có hai giường. Má anh bị tai biến nằm giường đặt sát cửa ra vào. Giữa hai giường song song là một khoảng trống khá rộng, người nuôi bệnh có thể trải chiếu nằm dưới nền nhà qua đêm, phòng khi người bệnh bất ngờ trở nặng, báo động cho bác sĩ trực đêm.

 Sát vách, giường bên kia là một bà ở quận Lung Xanh  trên bảy mươi tuổi – chủ vuông tôm, bị ung thư. Theo nuôi bệnh, chăm sóc cho bà là cô con dâu út, cô trẻ đẹp khỏe mạnh, gương mặt thanh tú, ưa nhìn. Cô rất sốt sắng chăm sóc mẹ chồng, lau dọn căn phòng và nhà vệ sinh sạch bóng. Lâu lâu, cô than phiền, mẹ em ung thư phổi, giai đoạn ba di căn qua gan thận, chắc không qua khỏi. Bác sĩ chạy rồi, hạn cuối cùng của mẹ em là trong sáu tháng nữa. Nhưng bà đâu có biết bà sắp chết. Hơi chút là giận hờn, gắt gỏng, phiền trách. Ở quê nhà, đã xây sẵn phần mộ cho bà phía sau vườn. Má em ăn chay, tối nào cũng thay bộ đồ mới ủi phẳng phiu, ngồi trước bàn thờ Phật gõ mõ, lần tràng hạt tụng niệm. Đến khuya, bà mới chịu vào giường. Khi trong mùng có muỗi, bà gọi em bật bốn bóng đèn led sáng rực, xem trong mùng có mấy con muỗi, lần nào bà cũng dặn, không được đập muỗi, hãy giở mùng cho muỗi bay ra. Bà ngồi trong mùng theo dõi từng cử chỉ của em, xem em có làm đúng ý bà không. Có lần em phải chống chế, thả muỗi ra nó lại chích, truyền bệnh cho người khác.Má em nhẹ nhàng, má ăn chay niệm Phật, không được sát sanh, tạo nghiệp. Em phải giải thích thêm cho má, giở mùng con này bay ra, con khác lại bay vô. Đến nỗi mỗi khi em giở mùng cho muỗi bay ra, má từ trong mùng tay cầm sẵn cây quạt giấy màu tím đậm, quạt ngược ra cho con khác khỏi chui vào. Đôi khi, chỉ vì một con muỗi nhỏ xíu cứ bay, trốn ở góc khuất trong những nếp gấp gối mền, thỉnh thoảng vụt đảo qua bay vo ve bên tai, rồi biến mất tiêu, mẹ chồng và nàng dâu căng mắt mãi kiếm, tìm cách phóng thích nó suốt cả giờ. Trở về phòng, quá giấc, em không ngủ lại được. Phóng thích muỗi trong mùng lúc đêm khuya vừa căng thẳng vừa mệt còn hơn em bửa đống củi.Tính ra, trong một tháng, em bị mất ngủ hết nửa tháng. Cũng thế, mỗi lần chăm sóc luống cải xanh bên hè, bà mang kính lão, cầm theo cái kéo, bà thấy con sâu nào đeo trên lá, bà dùng kéo cắt phần lá có con sâu đang bám bỏ vào lon, rồi mang thật xa ra đám cỏ cuối vườn đổ đi, tuyệt đối không giết hay phun thuốc diệt côn trùng. Trong nhà, ai phản đối hay làm trái ý, bà giận không nói chuyện suốt mấy ngày.

Người già tự nhiên tính tình trở lại giống như trẻ con. Má em thương thằng cháu nội-con của em nhất nhà, thường bảo nó ngồi bên giường trò chuyện với nội. Nội hỏi thăm, mấy con dế con nuôi lúc này ra sao, mấy đêm rồi, nội không nghe nó gáy. Thằng nhỏ tỏ vẻ chán chường, con phun rượu, xin mẹ sợi tóc dài quay dế, mà nó vẫn đá thua dế thằng hàng xóm hoài nội ơi. Con thả nó về gốc rạ ngoài đồng rồi. Thằng cháu biết tính nội, nghe nó thả con dế, bà nội tỏ vẻ vui lắm. Bà rờ rẫm, lần mò trong áo gối, rút một tờ tiền xanh cho nó. Nó nhận tiền bằng hai tay, dạ cám ơn nội. Ngoài sân, trước nhà có tiếng ồn ào của lũ bạn nhỏ đang chơi tạt lon. Tiếng lon bị ném trúng văng khỏi vòng ô, lăn lông lốc, lổn cổn trên sân. Thằng bé bồn chồn, nhấp nhổm đứng dậy, tính chạy ra sân nhập bọn, nhưng nội níu áo, cầm nó lại: “Con tắc kè còn ở trong kẹt tủ không con?”. Đứa cháu nội lẹ làng, vừa chạy vừa ngoái lại: “Dạ còn, nó có chửa bụng bự dữ rồi, nội ơi…”

 Người bệnh ung thư giai đoạn cuối thường có những cơn đau hành hạ ghê lắm, má em thì không, nhưng cơn bệnh âm thầm rút rỉa bà. Bây giờ bà chỉ húp cháo loãng, đi đứng hết nổi rồi, con cháu phải dìu đỡ từng bước chân. Chắc nhờ bà thường phóng sinh, trời phật đã lấy bớt cho bà những cơn đau? Bà nằm trên giường, nhưng mắt vẫn còn tinh anh quan sát, tai lắng nghe động tịnh trong nhà. Thấy thằng cháu nội đi ngang giường ba sai bảo: “ Kêu mẹ qua gặp nội”. Thằng nhỏ sốt sắng như muốn lập công với nội, nó chạy ù qua nhà bếp. Em vội tắt lửa ơ cá đang kho, qua phòng má. Bà nắm tay em bằng những ngón tay mỏng, xương xẩu, yếu ớt nhẹ hều như mây khói phớt trên da em, bà dặn: “Sáng mai, con ra bắt ốc trong luống rau, rồi bỏ xuống mương vườn giùm má. Con không được giết ốc nha”. Những con ốc ma, qua một đêm, chúng ăn đứt trụi cả đám rau.  Má nằm một chỗ, dẫu em có đập bể những con ốc ấy, má chồng em cũng không biết. Nhưng em sợ ánh mắt sáng trưng như có thần của má dõi theo, nên em riu ríu làm theo lời má dặn.

Bà bệnh nhân quận Lung Xanh thường quay mặt nhìn sang giường má của anh, khen má vui vẻ lịch lãm. Bà nói với má anh: “ Chị đã bước vào thượng thọ, nhưng chị còn khỏe hơn tui, tui nhỏ hơn chị hai mươi tuổi, nhưng tui yếu lắm rồi.”

Má anh: “Mỗi nhà mỗi cảnh, tôi năm nay chín mươi sáu rồi,  bệnh tật nằm bệnh viện lâm cảnh con trai già chăm sóc, nuôi bệnh mẹ già. May mà nó vừa về hưu, có thời gian lo cho mẹ bệnh”. Anh đã quá sáu mươi, sức khỏe kém, bồng ẵm mẹ già, đôi khi sức yếu, chân run lảo đảo không vững, có lần suýt té cả hai mẹ con. Khi đỡ được mẹ nằm yên trên giường, anh vẫn chưa hết bàng hoàng. Nếu lỡ để mẹ té… Anh không dám nghĩ thêm nữa.

Khi biết những người chung phòng ngụ cư quận Lung Xanh, má anh mừng rỡ: “Hồi còn trẻ, tôi là giáo viên Trường tiểu học Lung Xanh học trò nhỏ rất đông, còn nhớ, trong xóm có ông Tư tối ngày say rượu đi lang thang ngoài đường, đầu trên xóm dưới không thấy ngày nào ổng tỉnh táo, một hôm giữa đêm, ống tháo cái trống trường khiêng đi mất, sáng ra phải cử những trò lớn đi tìm, ai dè ổng giấu cái trống trong đống rơm. Sau này, Lung Xanh trở thành vùng “xôi đậu”, Ty Tiểu học chuyển tôi về trường thị xã. Tôi rời Lung Xanh hơn sáu mươi năm rồi. Thời gian trôi nhanh như chớp mắt. Bây giờ già yếu, bệnh tật, phải thúc thủ, nằm đây”. Má anh tâm sự với bệnh nhân bên kia giường: “Trái tim tôi làm việc suốt chín mươi sáu năm, mệt lắm rồi hãy để cho trái tim mình nghỉ ngơi.Tôi mong kết thúc sớm cho con cháu đỡ cực”. Bệnh nhân Lung Xanh an ủi: “Chuyện sống chết để trời Phật tính, con người đâu có thể tính riêng cho mình được, chị”. Má anh: “Thì mình mong vậy mà, sống thêm nữa để làm gì.” Bệnh nhân Lung Xanh: “Ừ chị nói phải, ý tôi giống ý chị. Tôi không ăn uống được, sống được là nhờ bác sĩ ngày nào cũng truyền đạm với tốc độ hết sức chậm. Nằm viện hoài, riết rồi tôi tôi rành thuốc như y tá”. Má anh đạo Công giáo, năm nay già yếu không còn đi lễ nhà thờ ngày Chúa nhật nữa, bà ở nhà dự Thánh lễ do các linh mục làm lễ qua internet trên Ipad màn hình rộng. Bà còn xem nhiều chương trình ca nhạc đời và đạo trên YouTube. Giờ đây, bà bất ngờ nhắc lại ca từ trong một bài hát: “ Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ thì đường trần mưa bay gió cuốn”. Bệnh nhân Đầm Xanh ồ lên, kinh ngạc: “Hai câu đó thật là thấm thía, mình buông bỏ hết, hen chị.”

Hai người già nói về cái chết của mình cơ hồ khói mây mơ màng mỏng manh từ trên thiên đường thả xuống bay bay, quấn quýt trong phòng. Phải chăng họ đã suy nghiệm, thấu đạt lẽ huyền vi của tạo hóa. Không khí bỗng dưng thân mật, đậm đà thiết tha như cố nhân lâu ngày hội ngộ. Cô dâu trẻ vui mừng: “Ha ha, hai người già thật tâm đầu ý hợp”.

Cô con dâu quận Lung Xanh luôn hồn nhiên, thân mật, đi đứng lẹ làng, sinh hoạt, ăn uống nói năng ồn ào. Thỉnh thoảng cô ân cần đỡ giúp cho má anh đi vệ sinh. Cô nói: “Đàn ông chăm sóc cho mẹ già, lọng cọng và bất tiện lắm, anh để em lo tiếp nhen”. Thế là, một mình cô lo chăm sóc cho hai bà già. Mỗi buổi sáng cô thức sớm, nấu nước, trước khi pha hai ly sữa, cô trụng ly bằng nước đang sôi; buổi trưa cô san sớt chia hai phần cháo, phân thuốc uống cho bệnh nhân theo toa của bác sĩ; khi trời nắng tốt, cô mang mền gối ra phơi … Ân cần hỏi thăm sức khỏe người bệnh như cô có hai người mẹ yêu dấu. Anh trở thành nhân vật phụ trong việc chăm sóc cho mẹ mình. Cô gái giờ là trưởng phòng, tự dưng anh phải chịu sự phân công sắp xếp của cô ấy, anh chỉ còn nhiệm vụ làm vệ sinh thật sạch sẽ trong toilet. Bà mẹ chồng vui và hãnh diện vì cô con dâu có hiếu, giỏi giang, năng động đảm đang, biết chia sẻ, giúp đỡ bệnh nhân cùng phòng. Sắc diện bà mẹ chồng có vẻ hồng hào, tươi tỉnh hơn hồi mới nhập viện. Cùng cảnh ngộ, bỗng dưng cùng sinh hoạt chung trong phòng, không khí gần gũi, thân tình, ấm áp. Tâm hồn cô dâu trẻ bao la, phóng khoáng như  đồng xanh, gió núi.Tình người ở tỉnh lẻ không lạnh lẽo như trong phòng bệnh nhân ở các đô thị lớn – nằm bệnh cùng phòng, nhưng phận ai nấy lo. Xuất viện, có khi cũng không chào từ giã.

                                             *

                                   *             *

 Nhiệt độ lạnh ngắt. Máy lạnh trong phòng bệnh được cố định 25 độ, không thể điều chỉnh nhiệt độ. Nửa đêm, má anh lạnh, phải đội khăn trùm đầu, xoa dầu, đeo bao tay, chân mang vớ dài, đắp hai cái mền vẫn còn run, anh bật dậy tảo tần đi tìm, gọi y tá trực đêm tới điều chỉnh lại nhiệt độ.

Nhẹ nhàng hỏi: “Sao cô không để remote trong phòng cho tôi tự điều chỉnh nhiệt độ?”

Đáp lại là tiếng nói gắt gỏng còn ngáy ngủ: “ Biết xài remote không? Sáu tháng qua, người ra người vô, bể hư hết năm cái rồi đó. Để phòng trực giữ cho chắc.” Nói xong, blouse trắng ngó lên máy lạnh, chỉnh lại nhiệt độ, bỏ remote vào túi, gõ guốc, tất tả, phấp phới bước ra khỏi phòng. Mọi người trong phòng thở dài và ngủ tiếp.

Ban đêm, người nuôi bệnh trải chiếu nằm dưới nền nhà, cô dâu Lung Xanh nằm xuống là ngủ liền. Thoải mái, thở ngáy vô tư, mền chiếu xô lệch, tóc dài mượt mà bung tỏa hồn nhiên, đẹp đến nao lòng. Có lẽ, cô quá mệt mỏi vì suốt ngày lăng xăng, quán xuyến nọ kia, lo toan cho hai bà già khó tính đang bệnh trầm kha.

  Anh trải chiếu dưới nền gạch men, sát giường má. Với hai bóng đèn dài, cả căn phòng sáng choang. Bà mẹ chồng ở Lung Xanh thích sáng đèn, không chịu để đèn mờ mờ cho dễ ngủ. Đêm nay, má anh khó chịu trong người, gọi anh hoài. Giấc ngủ anh cứ chơi vơi, chập chờn. Năm giờ sáng, cả phòng đều thức dậy, dọn dẹp, cuốn chiếu, vệ sinh phòng sạch sẽ và chờ bác sĩ đến khám cho bệnh nhân.

Anh đang thu dọn mền chiếu của mình, chợt anh nhìn thấy trên chiếu gần đầu nằm của anh, một chiếc kẹp tóc hình con bướm đen đính những hạt đá lấp lánh. Anh cầm lên và nói: “Kẹp tóc này của cô nè?”. Cô dâu Lung Xanh ngó sửng rồi giật nhanh chiếc kẹp tóc trên tay anh. Gương mặt cô đỏ bừng, hổ thẹn vì sự chểnh mảng của mình.

Nằm trên giường, mẹ chồng chứng kiến toàn cảnh. Bà cau mày, mở to mắt kinh ngạc và “hứ” lên một tiếng gay gắt, giận dỗi trở mình, quay mặt vào vách, im lặng bất động. Bà ngờ vực về đức hạnh của con dâu. Cô dâu Lung Xanh tay nắm chặt như muốn giấu biệt chiếc kẹp tóc, đau khổ sững sờ trước thái độ ngộ nhận của mẹ chồng. Má anh ngồi trên giường đang loay hoay cúi tìm chai dầu gió, không hay sự biến đã diễn ra.

Vừa lúc ấy, bác sĩ cùng y tá bước vào phòng, chuẩn bị khám và truyền nước cho bệnh nhân.

Anh bước ra hành lang, váng vất, lảo đảo như người say. Tê tái, anh tự trách, sao mình không để chiếc kẹp tóc nằm tự nhiên trên nền gạch, chốc nữa, cô ấy sẽ tự nhìn thấy. Hành động vô tình của anh như mũi dao nhọn ngọt rơi vào tim bà mẹ chồng.

 Trưa hôm đó, dây truyền dịch đột nhiên ngừng giọt rơi vào tĩnh mạch, bà lặng lẽ qua đời trong tư thế xoay mặt vào tường trắng lặng câm. Con dâu bủn rủn, nhợt nhạt, tức tưởi lê bước bên xe đưa mẹ ra nhà xác. Anh theo sau, tiễn bà. Những bánh xe đầy khô dầu, rít ken két, cứa miết vào thần kinh anh. Thỉnh thoảng xe qua những chỗ gập gềnh, xác bà run lên, chập chờn nghiêng đảo. Cho đến khi, cửa nhà xác vội kéo mở rộng, từ bên trong khí lạnh căm căm cùng mùi thuốc sát trùng đột ngột xô ra, tạt vào mặt anh…Anh dừng lại, chênh vênh chờ cô giở mảnh vải trắng đang đậy trên mặt mẹ chồng, cô nhìn mặt bà thật lâu. Gương mặt cô nhòa lệ, thổn thức: “Má ơi! Sao má nỡ giận con”.

 Bà đã ra đi sớm hơn sự tiên liệu của bác sĩ.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        L.Đ.T

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus (0 )